Tranh vui và những lời khuyên hữu ích cho thói lười làm của giới trẻ
Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015
Thiếu kiên trì, hay đòi hỏi và thường xuyên nhảy việc là tình trạng chung của giới trẻ hiện nay khi bước vào xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giới trẻ hiện nay thường bị sa vào đó, dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo nên khi bước vào đời thực, họ thường bị hẫng hụt, ngại giao tiếp....
Dưới đây là những tranh vui được tác giả Minh Trí phản ánh về thực trang chung trong giới trẻ, cần được nhìn nhận lại và xác định đúng phương hướng của mình.
Tìm việc chưa bao giờ đơn giản, nhất là với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Như "một hạt sỏi nhỏ rơi xuống biển lớn” - môi trường đầu tiên gia nhập rất quan trọng. Nó sẽ là nước để dập tắt cái hừng hực ngây ngô hay là lửa để đốt hết nhiệt của tuổi trẻ? Hãy cân nhắc trước mọi lựa chọn. Đừng ậm ờ cho qua vì tuổi trẻ mỗi người chỉ có một.
Có những điều tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nói lên con người và sự trách nhiệm mà bạn dành cho chính cuộc đời mình. "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" song nếu nước sơn tốt, gỗ có bền lâu hơn? Ngay cả khi CV chỉ là tờ giấy, nó vẫn nói lên nhiều điều về bạn. Các nhà tuyển dụng sẽ không tin rằng bạn thuộc tuýp người cầu toàn và tỉ mỉ khi liên tục bắt gặp bạn trong trang phục nhàu nhĩ và tác phong thiếu gọn gàng. Ấn tượng đầu tiên về ai đó chưa chắc đúng nhưng nó rất khó phai.
Khi công việc ngày càng chuyên môn hóa, đó là lúc vai trò của bạn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình vận hành. Bạn có thể là nguyên nhân tạo nên sự tắc nghẽn trong công việc hay thậm chí dẫn đến sự bất thành, đổ bể. Hãy đóng góp vào sức mạnh đội nhóm bằng việc không ngừng nâng cao năng lực bản thân, thay vì bắt mọi người chờ đợi để cùng tiến lên.
Xung đột khi đi làm là điều khó tránh khỏi. Im lặng có thể làm không khí ôn hòa, dịu nhẹ, nhưng giải pháp này chưa chắc là cách giải quyết tốt nhất. Thẳng thắn nhìn nhận khúc mắc, cùng nhau chia sẻ để tìm hướng đi tốt hơn là trách nhiệm với các mối quan hệ và thể hiện sự trân trọng của mình với những người khác.
Như chú chim bay đi tìm rơm về xây tổ ấm, bạn sẽ thật hãnh diện khi ngôi nhà ấy do một phần bản thân đóng góp. Sự chung thủy không thể đánh giá chỉ qua hành động bạn “trông núi kia” mà có thể đo bằng việc học hỏi, cùng những đóng góp cụ thể cho mái nhà chung.
Cảm giác những nỗ lực cố gắng của bản thân bị “hớt tay trên”, hay ghi nhận không xứng đáng giống như việc mình trót dại đem niềm tin thả xuống đáy giếng. Nhưng bạn không nên vì thế buộc lòng lại để không tin ai rồi làm việc cầm chừng hay chưa làm đã lo mất phần. Sau bất công là công bằng. Lẽ phải sớm muộn cũng trở về người chân chính.
. |
Bạn có “nghĩa vụ” khiêm tốn thì tổ chức có “trách nhiệm” bảo vệ điều đó. Là người lao động, bạn có thể dùng câu này như thần chú để kìm kẹp cá tính quá mạnh và nhốt sự kiêu ngạo của mình lại. Là người tuyển dụng, bạn không nên dùng câu này “dương dương tự đắc”. Một ngày nhân tài như lá mùa thu trong công ty, bạn không có gì phải tiếc khi “chợ đông” mới là thước đo thành công.
Hãy nhớ về những ngày tháng bạn cố công góp sức, gây dựng… Tuy không còn làm việc chung nhưng bạn vẫn nên gìn giữ và bảo vệ tổ chức. "Tình chia tay dù tự nguyện hay gượng ép, đã từng trót yêu rồi xin hãy giữ những ký ức đẹp về nhau".
“Thất bại như mưa, thành công như nắng, phải có mưa có nắng cầu vồng mới hiện lên. Cuộc đời có cả thành công và thất bại, cuộc đời ấy mới thật sắc màu và đáng yêu...”. Vì vậy, bạn cần có trách nhiệm với thất bại. Hãy gọi nó là “những bước đệm để đến với thành công".
- Theo zing.vn -
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét